Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

Thiệt hại tại Quảng Ninh tăng lên 2.700 tỷ đồng


Ngành than ước thiệt hại 1.200 tỷ đồng và vẫn chưa thể khôi phục sản xuất kinh doanh bình thường.




Đến 12h ngày 3/8, UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết đợt mưa lũ lịch sử đã khiến toàn tỉnh thiệt hại 2.700 tỷ đồng, trong đó, ngành than tổn thất nặng nhất với 1.200 tỷ đồng, hoạt động sản xuất – kinh doanh gần như tê liệt.



Cụ thể, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) thiệt hại trên 1.100 tỷ đồng khi một số mỏ như Ngã Hai, Mông Dương, Cái Đá ngập nặng, các tầng khai thác bị sạt lở, hệ thống đường nội mỏ bị chia cắt, các tuyến đường sắt vận chuyển than hư hỏng, nhà xưởng, công trình bị bùn đất tràn lấp…



Đặc biệt, các kho than bị vỡ tường chắn, lượng than trôi chưa xác định được nhưng ước khoảng 10.000 tấn. 21 đơn vị vùng Hòn Gai, Cẩm Phả phải ngừng sản xuất để ứng phó với mưa lũ, không có sản phẩm. 40-80% công nhân phải nghỉ làm, một số đơn vị bị ảnh hưởng nặng như Mông Dương, Quang Hanh có thể phải cho công nhân nghỉ dài ngày hơn.





than2-2109-1438600039.jpg


Mua lũ khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty than trên địa bàn Quảng Ninh gần như tê liệt. Ảnh: Minh Cương



Sản xuất của ngành than đình trệ cũng là mối lo cho các nhà máy nhiệt điện bởi nguồn cung nguyên liệu có thể gặp khó khăn. Tuần trước, TKV đã có cuộc họp khẩn với Tập đoàn Điện lực (EVN) và Tập đoàn Dầu khí (PVN), dự kiến sau khi hết mưa khoảng 4-5 ngày, tập đoàn sẽ bắt đầu khôi phục khoảng 30-50% năng lực và sẽ ưu tiên số một cung cấp than cho Nhiệt điện Duyên Hải 1, tiếp theo là Vĩnh Tân 2, Nghi Sơn, Vũng Áng… Trong ngày 31/7 và 1/8, tập đoàn đã xuất 3 tàu chở than đi Vũng Áng, nhiệt điện Duyên Hải 1 để giảm bớt tình trạng “khan” nguyên liệu cho các nhà máy.



Ngoài ra, Tổng công ty Đông Bắc – một đơn vị khác trong ngành than cũng ước thiệt hại 100 tỷ đồng do một số mỏ lộ thiên sạt bờ tầng moong khai thác, phá hủy chia cắt các tuyến đường vận chuyển phải tạm dừng sản xuất để ứng phó…



Mưa lũ cũng khiến nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn và một số tuyến đường thủy nội địa, tuyến kè bị ngập lụt, sạt lở hư hỏng nặng. Ước tính thiệt hại của ngành giao thông lên trên 250 tỷ đồng. Ngành điện cũng thiệt hại nặng khi 248 trạm điện bị sự cố cần phải xử lý, đường ống cấp nước sạch D800 cho thành phố Cẩm Phả và thành phố Hạ Long của Nhà máy nước Diễn Vọng bị đứt gẫy…



Bên cạnh đó, gần 10.000 căn nhà tại Quảng Ninh bị đổ sập hoàn toàn, hư hỏng nặng và ngập lụt trên một mét; gần 4.000 ha lúa, hoa màu và gần 1.200 ha nuôi trồng thủy hải sản bị ngập, hơn 2.000 con gia súc, gia cầm bị cuốn trôi…



Theo lãnh đạo tỉnh, thiệt hại trên địa bàn ước tính có thể tiếp tục tăng lên bởi hiện nay có hơn 1.000 hộ gia đình bị ảnh hưởng, thiệt hại tài sản lớn nhưng do còn tập trung vào công tác chống đỡ mưa lũ và khắc phục hậu quả nên chưa thể thống kê chính xác.



Trong những ngày tới, Quảng Ninh sẽ tập trung kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, nguy cơ lũ quét; kiên quyết di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; bố trí điểm tạm cư lâu dài cho hộ dân sống ở vùng nguy hiểm… Công ty Cổ phần Nước sạch Quảng Ninh được giao nhiệm vụ khắc phục sự cố đường ống D800 để cấp nước cho người dân. Tỉnh cũng có văn bản đề nghị Trung ương hỗ trợ các trang thiết bị để khắc phục hậu quả mưa lũ, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp giúp đỡ người dân chịu ảnh hưởng nặng nề.



Về lương thực, thực phẩm, Quảng Ninh khẳng định sẽ không để xảy ra thiếu hụt nguồn hàng cung cấp cho người dân. Bộ Công Thương cũng cho biết sẽ có những biện pháp để tránh khan hàng, sốt giá trên địa bàn.



Đợt mưa lũ lớn nhất trong 40 năm, kéo dài từ ngày 25/7 đến nay đã khiến Quảng Ninh trở thành tỉnh phía Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong đợt cao điểm, toàn bộ thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả bị tê liệt hoàn toàn về giao thông, nhiều khu dân cư nhà ngập đến mái. Tính đến nay, toàn tỉnh có 17 người chết và theo dự đoán con số thiệt hại sẽ còn tăng cao do chưa thống kê đầy đủ, đặc biệt là thiệt hại của các hộ gia đình.



Phương Linh





Đọc thêm tại đây



Thiệt hại tại Quảng Ninh tăng lên 2.700 tỷ đồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét